Sau ba lần bảy lượt trì hoãn, giờ đây cả nhà phát triển kỳ cựu của Ethereum, Preston Van Loon, lẫn Vitalik Buterin đều đã lên tiếng xác nhận về việc sự kiện The Merge sẽ diễn ra vào tháng 8 năm nay nếu “mọi thứ được triển khai đúng tiến độ”.
Đây không chỉ là một cải tiến mang cái danh là quan trọng nhất giới crypto, mà còn là tia hi vọng duy nhất mà cả thị trường tiền mã hóa đang trông chờ ở thời điểm hiện tại.
Vậy sự kiện The Merge là gì? Tầm quan trọng ra sao? Allinstation sẽ đồng hành tìm hiểu cùng anh em trong bài viết này nhé.
Sơ lược về PoW và PoS
Chúng ta cùng điểm qua 2 cơ chế đồng thuận chính hiện đang tồn tại trong không gian blockchain nhé.
Proof-of-Work (bằng chứng công việc – PoW) là cơ chế đồng thuận đầu tiên được tạo ra, bao gồm một tập hợp các thợ đào tranh nhau giải các thuật toán nhằm xác nhận các giao dịch và đưa chúng lên chuỗi.
Tuy nhiên cơ chế kể trên được cho là lãng phí tương đối nhiều năng lượng máy móc và điện năng chỉ để đảm bảo độ bảo mật cao.
Mặt khác, Proof-of-stake (bằng chứng cổ phần – PoS) được tạo ra như một cơ chế không phụ thuộc quá nhiều vào sức mạnh tính toán. Các thợ đào chỉ cần ký gửi (stake) một lượng tài sản nhất định để trở thành người xác thực (validator) cho các giao dịch trên chuỗi.
Từ đó giải quyết hoàn toàn các vấn đề tiêu hao năng lượng trong khi vẫn đảm bảo tính bảo mật cao của chuỗi khối.
Sơ lược về lịch sử The Merge
Lộ trình Ethereum 2.0
Trước khi đào sâu về sự kiện The Merge, anh em ắt hẳn đã nghe nhiều đến cái tên Ethereum 2.0. Đây vốn là một lộ trình mở rộng chung cho Ethereum được thai nghén từ khi các đội nhóm phát triển của Ether nhận ra các vấn đề mở rộng đến từ cơ chế đồng thuận Proof-of-Work (PoW) kể từ 2018.
Theo như lộ trình của Ethereum 2.0, The Merge diễn ra đồng nghĩa với việc Ethereum sẽ chính thức chuyển từ cơ chế đồng thuận PoW sang PoS. Đồng thời chấm dứt việc đào ETH của các thợ đào để chuyển sang stake ETH như một Validator của mạng lưới Ethereum.
Cơ chế đồng thuận mới sẽ có sự hậu thuẫn từ kỹ thuật data sharding để đảm bảo mạng giữ được tính bảo mật và phân quyền cao, trong khi tăng khả năng mở rộng chuỗi khối với khả năng xử lý hơn 100,000 TPS.
Vitalik Buterin, đồng sáng lập Ethereum, cũng cho biết rằng PoS được dự đoán sẽ giảm tiêu thụ năng lượng của mạng, bảo toàn ít nhất 99.95% năng lượng so với hệ thống quản trị PoW.
Ngoài ra, PoS cũng sẽ mở đường cho chuỗi phân đoạn (Shard Chains) vào năm 2023, dự kiến sẽ giải quyết tình trạng tắc nghẽn dữ liệu, phí gas cao và hỗ trợ thế hệ tiếp theo của hệ thống mở rộng Layer 2.
Xóa bỏ hiểu nhầm trong thuật ngữ
Như anh em cũng đã biết, trong vòng 2 năm đổ lại, Ethereum đang trải qua nhiều thay đổi lớn ở mức độ giao thức, chính vì lẽ đó, đội ngũ các nhà phát triển Ethereum đã quyết định xóa bỏ thuật ngữ Ethereum 1.0 và Ethereum 2.0 nhằm hạn chế những hiểu lầm từ phía cộng đồng.
Thuật ngữ Ethereum 1.0 mang ý chỉ lớp mạng lưới xử lý giao dịch chính của Ethereum (Execution Layer), trong khi Ethereum 2.0 mang ý chỉ lớp mạng lưới mà trên đó cơ chế đồng thuận PoS hiện đang được phát triển (Consensus Layer).
Tuy nhiên, đối với phần lớn người dùng, đặc biệt là các người dùng mới, thì việc đặt tên thương hiệu như trên có phần tương đối gây bối rối và hiểu nhầm. Nhất những hiểu lầm phổ biến về việc Ethereum 1.0 sẽ biến mất sau khi Ethereum 2.0 hoạt động.
Vì lẽ đó, nhằm tránh sự hình thành của những tư tưởng sai lệch về Ethereum từ phía cộng đồng, cũng như đảm bảo tính minh bạch tuyệt đối cho lộ trình phát triển. Từ cuối 2021, các nhà phát triển Ethereum đã thống nhất các thuật ngữ trên như sau:
- Eth1 → Execution Layer
- Eth2 → Consensus Layer
- Execution Layer + Consensus Layer = Ethereum
The Merge sẽ diễn ra như thế nào?
Nhằm tăng số lượng validators và xử lý giao dịch bằng PoS, mạng chính Ethereum (vẫn sử dụng PoW) cần hợp nhất với Beacon Chain (hay còn gọi là Consensus Layer).
Ethereum Mainnet (PoW Blockchain)
Đây chính là lớp Execution Layer đã được nói đến ở trên, đồng thời cũng là mạng Ethereum chính mà cả thế giới Defi chúng ta hiện vẫn đang biết đến và sử dụng.
Phần lớn giao dịch cũng như các dự án Defi & NFTs tiếng tăm hiện vẫn đang được xử lý trên mạng blockchain này theo cơ chế đồng thuận PoW.
Ethereum Beacon Blockchain (PoS Blockchain)
Thực tế, các nhà phát triển Ethereum đã triển khai mạng lưới con là Ethereum Beacon Chain sử dụng cơ chế đồng thuận Proof-of-Stake (PoS) từ tháng 12/2020.
Beacon Chain được xây dựng bởi đội ngũ Ethereum và là một chuỗi hoạt động riêng biệt đóng vai trò là một Consensus Layer, chạy song song với chuỗi Ethereum Mainnet.
Tính đến thời điểm hiện tại, mạng Beacon Chain hiện cũng đã gặt hái về những con số tương đối ấn tượng như:
- 333,359 đang Validator hoạt động.
- 10,638,197 ETH được Stake trên Beacon Chain.
- Phần thưởng Stake lên đến 4.61%.
Mặc dù vai trò của Beacon Chain dự kiến sẽ thay đổi theo thời gian, nhưng vai trò chính vẫn sẽ là điều hướng mạng lưới các phân mảnh (Network of shards) đồng thời kiểm soát quá trình staking.
Vì Beacon Chain không thể chạy các hợp đồng thông minh hoặc xử lý tài khoản, việc hợp nhất với Ethereum Mainnet sẽ giúp đưa khả năng này vào hệ sinh thái Proof-of-Stake của Beacon Chain.
Có thể nói một cách ngắn gọn, sự kiện The Merge đánh dấu thời điểm hợp nhất giữa Ethereum Mainnet (Execution Layer) và Ethereum Beacon Chain (Consensus Layer) để tạo ra một Ethereum blockchain duy nhất nơi mà tất cả mọi hoạt động và giao dịch có thể được thực hiện với đồng thuận PoS.
Cụ thể sau The Merge, cấu trúc hoạt động của blockchain Ethereum sẽ có sự kết hợp của 2 layer đã phân tích ở trên như hình dưới đây:
Ảnh hưởng của The Merge
Nguồn cung ETH tiếp tục giảm phát
Đầu tiên cần phải làm rõ 2 nguồn cung chính của ETH ở thời điểm hiện tại đến từ:
- Hơn 90% từ Block Reward (2ETH/block) trên Ethereum Mainnet (13,000 – 13,500 ETH/ ngày)
- Khoảng 10% đến từ staking reward trên Beacon Chain (khoảng 1,600 ETH/ ngày)
Song song với việc phát hành ra ETH mới thông qua block reward, thì EIP-1559 được thông qua trên Ethereum Mainnet cũng đồng thời thực thi cơ chế đốt base fee (phí tối thiểu để đưa một giao dịch vào block trên mạng Ethereum) với tỉ lệ lên đến 80-85% tổng phí gas của mỗi giao dịch được thực hiện.
Cơ chế đốt base fee nói trên đã góp phần đưa ETH trở thành một tài sản giảm phát với hơn 2.3M ETH được burn tính đến ngày hôm nay.
Theo đó trung bình mỗi ngày sẽ có khoảng hơn 14,000 đến 15,000 ETH mới được sinh ra từ cả 2 layer kể trên với công thức tính tổng lượng cung ETH được tính như sau:
ETH phát hành trên Execution Layer (Ethereum mainnet) + ETH phát hành trên Consensus Layer (Beacon chain) – tổng số ETH base fee được burn.
Khi The Merge hoàn tất, sẽ không còn bất kì block reward trên execution layer và chỉ còn mỗi ETH được phát hành để trả thưởng cho quá trình staking trên Consensus Layer.
Điều này đồng nghĩa với việc, tổng lượng phát hành ETH trong một ngày sẽ giảm xuống chỉ còn tầm 1,500 – 1,600 ETH một ngày, cắt giảm gần 90% lượng ETH được phát hành hàng ngày.
Tổng cung ETH mới giờ đây sẽ được tính theo công thức:
ETH phát hành trên PoS chain – tổng số ETH base fee được burn
Tiềm năng Staking APR tăng mạnh
Ở thời điểm hiện tại, trước sự kiện The Merge, thu nhập của ETH Staker đến chủ yếu từ block reward trên Consensus Layer, với tỉ lệ APR phụ thuộc vào số lượng ETH đang được stake.
Số lượng ETH được staking càng lớn thì APR cơ bản sẽ giảm xuống càng sâu. Hiện nay, với tầm 12M ETH được staked thì APR của ETH staker đạt tầm 4.5%.
Sau khi The Merge hoàn tất, thu nhập của các ETH staker sẽ bao gồm:
- APR cơ bản từ block reward.
- APR từ Tip fee (Priority fee) – phí ưu tiên giao dịch.
Nếu Tip fees tăng mạnh thì APR tổng thể của các ETH Staker cũng sẽ tăng mạnh. Con số này lại phụ thuộc vào 3 yếu tố chính:
- Số lượng ETH Staked.
- Gas fee trên Ethereum network.
- Tỷ lệ Base burn / Total fee.
Theo lẽ đó, nếu thị trường trên Ethereum Network lại đón nhận những đợt hoạt động mua bán nhộn nhịp như những cuộc săn sale NFT Otherside gần đây, ắt hẳn việc APR của các ETH Staker tăng lên đến tận 2 con số là một lẽ thường tình.
Năng lượng vận hành Ethereum giảm 99.95%
The như nghiên cứu từ Ethereum Foundation, sau The Merge, mức tiêu thụ điện năng vận hành Ethereum network sẽ giảm 99.95%, tương đương một mức cắt giảm 2000 lần so với khi vận hành đồng thuận PoW.
Với việc toàn bộ mạng lưới của Ethereum sẽ dần trở nên thân thiện với môi trường khi loại bỏ gần như hoàn toàn khả năng tiêu hao năng lượng, bài nghiên cứu cũng đưa ra một so sánh thú vị về mức tiêu thụ điện năng của ETH PoS và ETH PoW.
Một điểm sáng đáng lưu ý khác xuất phát từ việc, Ethereum có thể loại bỏ hoàn toàn khả năng tiêu thụ năng lượng sau The Merge chính là ở việc thị trường không còn phải hứng chịu các áp lực bán từ miner.
So với trước đây khi việc khai thác ETH vô cùng là tốn kém bởi phải chi trả không ít cho phần cứng lẫn tiền điện – yếu tố cốt lõi tạo nên một bàn đạp áp lực bán từ các Miner ra thị trường nhằm chi trả các khoản chi phí nói trên.
Thì giờ đây với việc Ethereum sử dụng đồng thuận PoS, họ chỉ buộc phải stake ETH mà ko cần phải chi trả thêm bất kỳ chi phí liên quan, xóa bỏ hoàn bàn đạp áp lực bán lên thị trường.
Hậu sự kiện The Merge
Nếu được triển khai thành công vào tháng 8 này, thì cột mốc cuối cùng mà Ethereum cần đạt được là Eth2, đây cũng là bản nâng cấp chuỗi phân đoạn dự kiến sẽ đi vào hoạt động đầu năm 2023.
Mặc dù The Merge sẽ không giải quyết ngay lập tức các thách thức về khả năng mở rộng, nhưng nó sẽ là bước chuẩn bị để cho chuỗi phân đoạn con (Shard chain) dựa vào mạng PoS đã được hoàn thiện để hoạt động.
Thông qua việc trải rộng tải dữ liệu của mạng trên 64 blockchains, Shard chain cung cấp thêm các layer với chi phí thấp hơn cho các ứng dụng lưu trữ dữ liệu. Chúng cũng cho phép các hệ thống Layer 2 cung cấp phí giao dịch thấp trong khi vẫn được hưởng lợi từ tính bảo mật của mạng chính Ethereum.
Tuy nhiên, từ giờ cho đến lúc đó, mạng sẽ tiếp tục sử dụng các blockchain layer 2 như Polygon và Optimism để xử lý khả năng mở rộng và khối lượng giao dịch.
Tính đến thời điểm đăng tải bài viết, nhà phát triển Ethereum kỳ cựu Tim Beiko đã lên tiếng trên Twitter cá nhân, cho biết The Merge đã và đang bắt đầu diễn ra trên các Testnet PoW lâu đời nhất của Ethereum – Ropsten Test Network.
? Ropsten Merge Announcement ?
Ethereum's longest lived PoW testnet is moving to Proof of Stake! A new beacon chain has been launched today, and The Merge is expected around June 8th on the network.
Node Operators: this is the first dress rehearsal?https://t.co/0fDHObLOmn
— Tim Beiko | timbeiko.eth ? (@TimBeiko) May 30, 2022
Cụ thể, sự kiện Ropsten Merge này sẽ diễn ra vào ngày 8 tháng 6, và được Tim Beiko gọi là “Buổi diễn tập đầu tiên” cho các thợ đào của Ethereum làm quen với sự kiện The Merge sắp diễn ra vào tháng 8 năm nay.
Lời kết
Tóm tắt một vài ý chính đúc kết từ bài viết:
- The Merge là nâng cấp quan trọng giúp đưa cơ chế đồng thuận PoS vào Ethereum Mainnet.
- Sự kiện này là một bước đệm quan trọng cho Ethereum PoS và chuỗi phân đoạn (Network of shard).
- Nguồn cung ETH tiếp tục trở nên khan hiếm và giảm phát.
- Tiềm năng lợi nhuận APR tăng vọt cho ETH staker.
- Khả năng tiêu thụ năng lượng của Ethereum giảm 99.95%.
Allinstation đã cung cấp cho anh em những thông tin về sự kiện mang tầm vóc lịch sử – The Merge sắp diễn ra vào tháng 8 này. Anh em hãy cùng tìm hiểu và đánh giá nhé!!!