Chào mừng anh em đến với chuyên mục phân tích on-chain của Allinstation.
Gần đây BTC đã có đợt bán tháo mạnh qua đó giảm từ vùng 29,000 – 30,000 USD xuống mức 20,000 USD.
Điều này xảy ra giữa một loạt tin xấu gần đây. Ví dụ điển hình như vụ Celsius nguy cơ “vỡ nợ”, quỹ 3AC bị thanh lý… và việc FED tăng lãi suất mạnh.
Hiện tại BTC đang biến động mạnh ở vùng 20,000-23,000 USD.
Bên cạnh đó chỉ số Fear & Greed đã giảm xuống mức 6. Điều này cho thấy thị trường đang “cực kỳ hoảng loạn”.
Anh em cùng xem dữ liệu on-chain để xem có gì nổi bật trong những ngày gần đây nhé.
Dữ liệu on-chain cho thấy lượng lớn kỷ lục BTC được đẩy lên sàn
Cụ thể anh em nhìn vào chỉ số Lưu chuyển BTC ròng ở các sàn (BTC Exchange Netflow).
Chỉ số này đo sự chênh lệch giữa lượng BTC đẩy vào và rút ra ở sàn. Nếu nó dương thì cũng đồng nghĩa với việc nhà đầu tư đang đẩy BTC lên sàn để bán và ngược lại.
Qua đó vào ngày 14/6 đã có 59,376 BTC được đẩy lên sàn. Đây là mức dương lớn nhất trong vòng 3.5 năm.
Điều này phần nào cho thấy nhiều holder có thể đang muốn bán BTC.
Theo chỉ số on-chain thì thợ đào hiện vẫn chưa bán mạnh BTC
Tiếp theo, một câu hỏi mà mình sẽ đặt ra là liệu các thợ đào đã bán BTC chưa?
Đầu tiên anh em hãy nhìn vào Miner Outflow. Chỉ số này đo lượng BTC chảy ra từ ví của thợ đào.
Qua đó khi Miner Outflow tăng mạnh thì nó đồng nghĩa với việc thợ đào có thể đang bán BTC.
Nhìn vào biểu đồ trên anh em có thể thấy chỉ số này đã tăng đột biến. Tuy nhiên nếu so với quá khứ thì nó chưa tăng quá mạnh.
Cụ thể trong ngày 16/6 đã có 5,938 BTC được rút ra khỏi ví các thợ đào. Con số này vẫn thấp hơn lượng BTC ở ngày 1/4 là 8,805 BTC.
Bên cạnh đó chỉ số Miner Reserve (lượng dự trữ trong ví thợ đào) vẫn không giảm mạnh thậm chí còn tăng dần.
Điều này cho thấy các thợ đào có thể đã bắt đầu bán BTC nhưng với khối lượng nhỏ và một đợt bán tháo của họ vẫn chưa diễn ra.
Tuy nhiên một đợt bán tháo của thợ đào có thể sẽ đến trong tương lai gần.
Để chứng minh điều này thì anh em nhìn vào Hash Ribbon. Chỉ số này so sánh trung bình động (MA) 30 và 60 ngày của Hashrate (độ khó đào của BTC).
Khi đường MA 30 ngày (màu xanh nước biển) cắt xuống dưới đường MA 60 ngày (màu tím) của Hashrate thì một số thợ đào có thể sẽ “nghỉ chơi” BTC.
Như anh em có thể thấy thì đường MA 30 đã cắt xuống dưới MA 60. Điều đấy đồng nghĩa với việc một đợt bán tháo BTC của thợ đào khả năng sắp đến gần.
Liệu BTC đã chạm đáy chưa?
Một số chỉ báo on-chain cho thấy BTC có thể đã đến vùng mua.
Cụ thể một trong số đó là NVT Golden Cross. Chỉ số này chuyên dùng để nhận biết đỉnh và đáy ngắn hạn của BTC.
Anh em có thể thấy chỉ số đã giảm mạnh xuống vùng hỗ trợ màu xanh.
Nếu nhìn vào quá khứ thì BTC có khả năng sẽ hồi phục trong ngắn hạn khi điều này xảy ra.
Một chỉ số khác anh em có thể xem xét là tỷ số Price-to-network. Chỉ số này so sánh giá BTC với giá trị mạng lưới.
Trong đó theo định luật Metcalfe, giá trị mạng BTC được tính bằng bình phương số địa chỉ BTC.
Qua đó anh em có thể xem tỷ số này tương tự với P/E hoặc P/S bên ở mảng chứng khoán.
Anh em có thể thấy chỉ số này hiện đã chạm hỗ trợ là đỉnh ở đợt bullrun năm 2017-2018. Điều này đồng nghĩa với việc BTC đã đến vùng mua tốt và khả năng chạm đáy.
Tuy nhiên cũng có chỉ số cho thấy BTC có thể chưa chạm đáy.
Cụ thể anh em hãy so sánh giá BTC với chỉ số Realized Cap (Vốn hóa thị trường thực tế) và Delta Cap (Vốn hóa thị trường Delta) của BTC.
Trong đó chỉ số Realized Cap được tính bằng cách nhân giá BTC với lượng cung lưu hành.
Tuy nhiên nó khác với cách tính vốn hoá thị trường bình thường ở chỗ giá BTC ở đây sẽ được lấy theo giá của đồng coin này ở lần giao dịch gần nhất.
Điều này giúp chỉ số Realized Cap thực tế về mặt kinh tế hơn khi loại bỏ được độ nhiễu của các đồng coin “ngủ đông” trong thời gian dài.
Bên cạnh đó chỉ số Delta Cap cũng cải thiện sự chính xác bằng cách lấy giá trị Realized Cap trừ đi Average Cap (Vốn hóa trung bình theo thời gian) của BTC.
Nếu anh em nhìn vào lịch sử thì có thể thấy thường giá BTC đi vào giữa hai đường Realized Cap và Delta Cap thì sẽ bật tăng trở lại.
Ngoài ra đường Delta Cap cũng có thể là hỗ trợ cứng khi BTC thường sẽ hồi phục khi chạm vào đấy.
Nhìn vào biểu đồ thì anh em có thể thấy BTC đã đi xuống dưới đường Realized Cap. Điều này cho thấy BTC có thể đã đến vùng hỗ trợ.
Tuy nhiên BTC vẫn có thể giảm thêm khi chưa chạm đến hỗ trợ cứng là đường Delta Cap.
Cụ thể mức giá BTC theo Delta Cap hiện tại là 15,487 USD. Qua đó BTC có thể sẽ phải giảm xuống mức này mới có thể hồi phục trở lại.
Tạm kết
Nhìn vào các chỉ số on-chain trên cho thấy sự “hoảng loạn” của thị trường khi một lượng lớn kỷ lục BTC được đẩy lên sàn.
Tuy nhiên nhìn vào các chỉ số của thợ đào thì có thể thấy họ chưa bán tháo BTC.
Ngoài ra một số dữ liệu on-chain cho thấy BTC đã đến vùng mua và có thể tạo đáy. Nhưng nếu so giá BTC với chỉ số Delta Cap thì BTC chưa chạm đáy và sẽ giảm thêm.
Anh em hãy cùng tìm hiểu và đánh giá để có những quyết định đầu tư sáng suốt nhất. Chúc anh em may mắn!!!
Mọi thông tin trong bài không phải là lời khuyên đầu tư.
Anh em tham gia các kênh thông tin của chúng mình để thảo luận và bắt kịp những diễn biến mới nhất của thị trường nhé:
? HC Capital Channel
? HC Capital Group Chat
? HC Research Channel
? HC Research Group Chat