Khi tham gia đầu tư vào thị trường Crypto này, chắc hẳn anh em đều không lạ lẫm gì với thuật ngữ “Stablecoin”. Stablecoin nổi lên như một giải pháp trong thế giới tiền điện tử để giải quyết những lo ngại về sự biến động giá của các đồng coin và token. Stablecoin đã có một chặng đường dài đi cùng với sự phát triển của thị trường Crypto, quan trọng hơn hết, sự thúc đẩy liên tục đối với thị trường DeFi đã tiếp thêm động lực cho sự tăng trưởng ấn tượng của stablecoin.
Phần trăm tăng trưởng vốn hoá của các loại Stablecoin qua các quý. Nguồn: Messari
Chúng ta có thể chia Stablecoin ra thành 2 loại chính: stablecoin có tài sản đảm bảo và stablecoin thuật toán hay còn gọi là Algorithmic stablecoin. Hôm nay, Allinstation sẽ gửi đến anh em một số thông tin cơ bản về Algorithmic stablecoin.
Algorithmic Stablecoin là gì?
“Algorithmic” có nghĩa là tính thuật toán, đề cập đến một tập hợp các lệnh mà chương trình hoặc ứng dụng tự thực thi khi các điều kiện nhất định được đáp ứng. “Stablecoin” đề cập đến tài sản tiền điện tử hoặc token được gắn với một loại tiền tệ fiat (tiền pháp định) cụ thể, một tài sản hoặc một số chức năng giá trị khác và dự kiến sẽ duy trì giá trị đó bất kể điều kiện thị trường hoặc các yếu tố bên ngoài. Kết hợp lại, chúng ta có Algorithmic stablecoin (stablecoin thuật toán).
Như đã phân tích ở trên, Algorithmic stablecoin có thể được định nghĩa là một stablecoin duy trì giá trị thông qua một giao thức tự duy trì phi tập trung hoặc hệ thống kinh tế. Cơ chế phổ biến nhất để đạt được sự ổn định này là thông qua việc thao túng nguồn cung. Hầu hết các Algorithmic stablecoin đều được xây dựng với một hệ thống kinh tế và giao thức tự động tăng hoặc giảm nguồn cung thông qua các chức năng đốt hoặc đúc token để duy trì giá trị. Hầu như các Algorithmic stablecoin trên thị trường hiện tại đều tuân theo mô hình không tài sản thế chấp.
Tại sao lại cần tới Algorithmic stablecoin?
Chúng ta đã quá quen thuộc với USDT, stablecoin được công ty Tether đúc ra với các tài sản thế chấp như tiền mặt, trái phiếu… Tuy nhiên, việc xuất hiện những tin đồn không tốt về tài sản đảm bảo trong công ty Tether đã khiến rất nhiều người lo lắng về sự tuân thủ của các nhà phát hành stablecoin đối với những tuyên bố về cấu trúc dự trữ hay kho bạc được thế chấp của họ. Hơn thế nữa, các tổ chức phát hành stablecoin tập trung cũng dễ chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố bên ngoài, thông qua “quy định” của chính phủ các khu vực pháp lý mà họ được thành lập. Giả sử chính phủ của một quốc gia nơi tổ chức phát hành stablecoin được thành lập quyết định đóng băng tài khoản ngân hàng của họ bởi bất kỳ lý do gì, khi đấy khả năng mua lại stablecoin không còn nữa, khiến cho giá trị vốn có của stablecoin đó về 0. Dù điều này có vẻ khó xảy ra nhưng cũng là một rủi ro thực tế mà mọi người cần cân nhắc tới.
Trong khi đó, Algorithmic stablecoin có thể tự bảo vệ mình khỏi bất kỳ quy định pháp lý nào miễn là nó duy trì được sự phi tập trung và độc lập với bất kỳ khoản dự trữ hay tài sản đảm bảo pháp định nào. Ý tưởng này cũng tạo được tiếng vang lớn đối với những cá nhân hướng tới tầm nhìn về một hệ thống tài chính toàn cầu độc lập phi tập trung thực sự.
Các loại Algorithmic Stablecoin
Dù nhiều dự án về Algorithmic stablecoin ra đời trong những năm qua, Allinstation sẽ phân loại chúng ra thành 3 loại dựa theo cơ chế thuật toán đa dạng mà các dự án sử dụng để duy trì tỷ giá của các stablecoin, bao gồm:
- Rebasing Algorithmic Stablecoin.
- Seigniorage Algorithmic Stablecoin.
- Fractional Algorithmic Stablecoin.
Rebasing Algorithmic
Rebasing Algorithmic Stablecoin là một trong những mô hình đầu tiên dành cho một stablecoin thuật toán phi tập trung. Theo mô hình này, giá token sẽ được duy trì ổn định bằng cơ chế rebase tác động lên tổng nguồn cung của token. Nói cách khác, tổng nguồn cung của token sẽ giảm hoặc tăng mỗi ngày và tỷ lệ với phần trăm tăng/ giảm so với giá trị được neo lại.
Allinstation đã có một bài viết về cơ chế hoạt động của mô hình Rebase này, anh em có thể ghé qua đây để hiểu rõ hơn nhé!
Seigniorage Algorithmic
“Seigniorage” dịch ra tiếng việt là “thuế đúc tiền”, ở trong trường hợp này, “Seigniorage” đề cập đến sự khác biệt giữa mệnh giá của một đồng và chi phí sản xuất ra nó. Nói một cách đơn giản hơn, nó đề cập đến một hệ thống trong đó những người tham gia mạng lưới được khuyến khích trực tiếp duy trì giá trị của đống đó thông qua các cơ chế đào và đốt token. Trong Crypto, Seigniorage Algorithmic Stablecoin tuân theo một hệ thống đa token (multi-token) để duy trì mức giá cố định của nó. Thông thường, hệ thống này bao gồm việc 1 token sẽ được neo lại ở một giá trị ổn định và 1 hoặc nhiều token khác có chức năng như động lực để duy trì mức giá ổn định của token chính.
Để dễ dàng hiểu hơn, chúng ta cùng nhìn vào 2 dự án sử dụng mô hình này – Basis Cash và Terra Stablecoin.
Basis Cash
Basis Cash sở hữu hệ thống gồm 3 loại token để đạt được sự ổn định giá, đó là:
- Basis Cash (BAC): token được neo với giá trị của đồng USD.
- Basis Shares (BAS): một token khuyến khích tạo điều kiện giảm giá khi giá trị của stablecoin tăng cao hơn 1 USD.
- Basis Bonds: một token khuyến khích tạo điều kiện tăng giá khi giá trị của stablecoin giảm thấp hơn 1 USD.
Khi giá trị của Basis Cash tăng trên 1 USD, giao thức sẽ đúc các token mới và phân phối cho những người nắm giữ Basis Shares, điều này dẫn đến áp lực bán thêm khiến giá token giảm. Tương tự, khi Basis Cash giảm dưới 1 USD, giao thức sẽ khuyến khích người dùng đốt các token Basis Cash để đổi lấy token trái phiếu với tỷ lệ quy đổi 1:1. Người dùng có thể trao đổi những token trái phiếu này sang Basis Cash khi giá của token tăng trên 1 USD.
Thông tin cơ bản của Basis Cash. Nguồn: CoinGecko
Nhìn vào giá của Basis Cash, chúng ta có thể thấy hệ thống đã không hoạt động như dự kiến. Mặc dù góp phần vào sự thất bại này là một loạt các yếu tố như vụ hack trong đó gần 1 triệu BAC đã được bán trên thị trường, Basis Cash cũng có các vấn đề cơ bản về cách hệ thống mã thông báo trái phiếu được tạo ra. Bản thân token trái phiếu không sở hữu tiện ích thúc đẩy giá trị cần thiết, đó là thứ mà dự án tiếp theo mà chúng ta sẽ xem xét dường như đã hoàn thiện.
Terra Stablecoin (UST)
Hệ sinh thái Terra Luna tuân theo một hệ thống hai token để duy trì giá cố định của các stablecoin trên nó, đó là:
- Terra Stablecoin (UST, KRT, EUT…): là những stablecoin được gắn với các loại tiền tệ fiat khác nhau.
- LUNA: đây là tài sản tiền điện tử native trên hệ sinh thái Terra, được sử dụng để thanh toán phí giao dịch trên mạng lưới.
Cơ chế hoạt động của hệ thống này là Blockchain sẽ cung cấp một giao thức trong đó token LUNA được sử dụng để đúc ra Terra stablecoin như UST, và token LUNA có thể được đúc ra bằng cách đốt UST hoặc các Terra stablecoin khác. Thông qua cơ chế chênh lệch giá, tỷ giá pháp định được neo lại của stablecoin sẽ được duy trì. Khi tỷ giá USD của UST giảm xuống dưới 1 USD, những người tham gia hệ sinh thái có thể đốt UST để đổi lấy LUNA theo giá thị trường hiện tại, giúp họ kiến được lợi nhuận. Tương tự, khi tỷ giá USD của UST tăng trên 1 USD, họ có thể sử dụng LUNA để đúc thêm UST, từ đó đem lại lợi nhuận cho họ. Điều này trở nên khả thi bởi vì LUNA có giá trị và tiện ích độc lập trong toàn hệ sinh thái Terra.
Các tiện ích và giá trị xung quanh token LUNA. Nguồn: CoinGecko
Trong khi hầu hết các Seigniorage stablecoin đều thất bại, Terra stablecoin có vẻ đã hoàn thiện mô hình bằng cách tập trung vào một thứ mà hầu hết các dự án khác không phát triển được – một hệ sinh thái định hướng giá trị và hoạt động hiệu quả. Các Terra stablecoin tạo thành một phần không thể thiếu của Blockchain Terra vì chúng được sử dụng cho hầu hết các cặp giao dịch trên blockchain Terra.
Fractional Algorithmic
Mô hình Fractional algorithmic stablecoin này có thể được coi là sự kết hợp của Seigniorage stablecoin và stablecoin được thế chấp. Giống như Seigniorage stablecoin, mô hình này cũng có hệ thống đa token thường bao gồm token phụ được sử dụng để đúc stablecoin. Các stablecoin này nhằm mục đích đạt được điểm trung gian giữa các các stablecoin thuần túy theo thuật toán như UST, AMPL, BAC… và các stablecoin hoàn toàn được thế chấp như USDC, USDT, BUSD… Họ đạt được điều này bằng cách tự thế chấp một phần stablecoin được tài sản pháp định đảm bảo như USDC và đốt một phần token thứ 2 (token phụ) để thúc đẩy hệ sinh thái thông qua các sáng kiến DeFi. Mục tiêu cuối cùng của loại stablecoin này là đạt được hiệu quả sử dụng vốn. Điều này có nghĩa là khoản dự trữ phân đoạn của các stablecoin này có xu hướng giảm dần trong thời gian dài vì điều này cung cấp cho người dùng nhiều giá trị hơn đến token so với khoản dự trữ của nó.
Có hai khái niệm quan trọng đối với Fractional algorithmic stablecoin, đó là Tỷ lệ Tài sản thế chấp Mục tiêu TCR (Target Collateral Ratio) và Tỷ lệ Tài sản thế chấp Hiệu quả ECR (Effective Collateral Ratio). Các thông số này giúp duy trì tuổi thọ và tính thanh khoản của dự án.
- TCR: được sử dụng trong quá trình đúc tiền ổn định. Tỷ lệ này đề cập tới tỷ lệ thế chấp tối ưu cần thiết để đưa giá đạt 1 USD. Nếu giá trị trung bình theo thời gian của stablecoin cao hơn 1 USD trong vòng vài ngày trước đó, tỷ lệ thế chấp sẽ giảm, đồng nghĩa rằng chúng ta sẽ cần tỷ lệ USDC thấp hơn bình thường để đúc ra stablecoin. Ngược lại, tỷ lệ thế chấp sẽ tăng lên khi gia trị trung bình theo thời gian của stablecoin thấp hơn 1 USD trong vòng vài ngày trước đó. Cơ chế này hoạt động với ý tưởng đơn giản là giảm thành phần USDC yêu cầu để đúc trong những ngày giá trị của stablecoin tăng cao. Bằng việc giảm yêu cầu USDC, họ tăng tốc độ đốt token thứ 2, giúp giảm giá trị của token đó hiệu quả hơn.
- ECR: ECR được sử dụng trong cơ chế quy đổi tiền ổn định để xác định tỷ lệ USDC và token phụ được phân phối. ECR được tính bằng mức USDC hiện tại chia cho tổng nguồn cung của Fractional algorithmic stablecoin. TCR thấp hơn ECR tức là có quá nhiều tài sản thế chấp trong hệ thống. Tương tự, ECR thấp hơn TCR thể hiện rằng giao thức đó đang dưới thế chấp, phi tập trung hơn.
Dưới đây là 2 dự án tiêu biểu có sử dụng mô hình stablecoin này:
- FRAX: Frax Finance sở hữu hệ thống token kép – FRAX và Frax Shares (FXS). FRAX là một stablecoin được neo giá trị ở mức 1 USD và FXS hoạt động như một token tiện ích, được sử dụng để đúc FRAX khi giá của FRAX tăng trên 1 USD. Tỷ lệ thế chấp và thuật toán phụ thuộc vào giá thị trường của stablecoin FRAX. Nếu FRAX được giao dịch ở mức trên 1 USD, giao thức sẽ giảm tỷ lệ tài sản thế chấp. Nếu FRAX được giao dịch ở mức dưới 1 USD, giao thức sẽ tăng tỷ lệ tài sản thế chấp. Tỷ lệ tài sản thế chấp đối với 1 FRAX thường là 75 xu USDC và 24 xu FXS. Token FXS cũng hoạt động như một kho lưu trữ giá trị dưới thế chấp bị dư thừa. FRAX cũng có chức năng mua lại và tái thế chấp ở trong giao thức của nó, giúp tăng và duy trì giá trị neo lại của token và đồng thời đốt token FXS.
Cơ chế của Frax. Nguồn: Frax Finance
- Iron Finance: Mặc dù cũng đi theo mô hình tương tự với FRAX nhưng dự án này đã trở thành nạn nhân của “vòng xoáy tử thần” (death spiral). “Vòng xoáy tử thần” là thuật ngữ để chỉ hành trình của Algorithmic stablecoin đi về 0 do một vòng phản hồi tiêu cực. Lý do khiến cho Iron Finance thất bại chính là áp lực bán lớn đến từ những cá voi và sự thất bại của hệ thống Oracle nằm trong giao thức, khiến cho khoản dự trữ dưới thế chấp trong giao thức trôi xa khỏi mức thế chấp mục tiêu.
Những thách thức của Algorithmic stablecoin
Dù các mô hình Algorithmic stablecoin có vẻ rất hứa hẹn, tuy nhiên đi kèm đó là những thách thức riêng của chúng. Điều quan trọng nhất là khó khăn trong việc tạo ra một cơ chế bền vững và hiệu quả đằng sau việc duy trì giá trị neo của nó. Nhiều Algorithmic stablecoin đã thử các hệ thống khác nhau, nhưng chưa đến một nửa đã tồn tại và tỏ ra khả thi. Hai yếu tố phổ biến ảnh hưởng đến khả năng tồn tại lâu dài của Algorithmic stablecoin là vòng lặp khuyến khích tích cực và tiện ích trên toàn hệ sinh thái cho các token phụ trong mô hình đa token.
Một vòng lặp khuyến khích tích cực sẽ tiếp tục hoạt động và duy trì giá của stablecoin miễn là người dùng không mất lòng tin vào sự ổn định của token. Khi nói đến các mô hình stablecoin thuần túy theo thuật toán như mô hình Seigniorage, chúng trở nên dễ bị lỗi hơn trong vòng phản hồi tích cực trong thời gian có sự biến động cao do lòng tin của người dùng vào token giảm do không có giá trị vốn có của nó. Các Fractional stablecoin cũng dễ gặp rủi ro này nhưng có mức độ kháng cự cao hơn do tính chất thế chấp một phần của chúng.
Hầu hết các hệ thống stablecoin đa token không hoạt động thành công, có lẽ do không thể cân bằng tỷ lệ rủi ro – phần thưởng của các token phụ của chúng dưới một mức nhu cầu nhất định. Điều này là do token phụ thường không phục vụ tiện ích nào khác ngoài việc duy trì sự ổn định giá của token chính. Khi nó phá vỡ một mức giá cụ thể, Algorithmic stablecoin bắt đầu rơi vào “vòng xoáy tử thần”. Tuy nhiên, một số dự án stablecoin đa token như Terra Stablecoin đã cân bằng hoàn hảo nhu cầu độc lập đối với token LUNA của họ bằng cách sử dụng token này để thanh toán chi phí gas trong mạng lưới. Điều này đảm bảo rằng token stablecoin chính có được niềm tin về giá mạnh mẽ từ các nhà đầu tư do tiện ích được cung cấp bởi token phụ.
Lời kết
Hầu hết các Algorithmic stablecoin đều cố gắng trở thành tiền tệ dự trữ của hệ sinh thái tài chính phi tập trung. Đây là một mục tiêu tốt, tuy nhiên điều quan trọng là chúng cũng phải có tiện ích ngoài sự ổn định mà chúng mang lại để có thể tồn tại lâu dài. Hệ sinh thái của Algorithmic stablecoin vẫn còn rất mới và non trẻ, cách duy nhất để có thể xuất hiện một mô hình hoạt động hiệu quả hơn cho các stablecoin này là thử nghiệm, thất bại và tiếp tục xây dựng.
Hy vọng Allinstation đã cung cấp cho anh em thông tin hữu ích, giúp cho mọi người có thêm nhiều kiến thức để đưa ra các quyết định đầu tư hợp lý trong tương lai!